1.Đánh giá tác động môi trường là gì ?
– Báo cáo Đánh giá tác động môi trường ĐTM ( tiếng Anh là EIA) là việc phân tích, dự báo các tác động của dự án đầu tư đến môi trường để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó ( Theo khoản 23, điều 3 giải thích từ ngữ, Chương I Quy định chung, luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13).
– Lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường của mình từ đó có thể đề ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả nhằm đạt các Tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Hơn nữa kết quả giám sát chất lượng môi trường sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đánh giá về công tác bảo vệ môi trường của Công ty.
2. Căn cứ pháp lý
– Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ban hành ngày 23/06/2014, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2015.
– Nghị định 18/2015/NĐ-CP ban hành ngày 14/02/2015, Nghị định của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, Kế hoạch bảo vệ môi trường.
– Thông tư 27/2015/TT-BTNMT , ban hành ngày 29/05/2015, của bộ Tài Nguyên Môi Trường quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
3. Tại sao phải lập đánh giá tác động môi trường
– Mục đích của việc lập đánh giá tác động môi trường ĐTM để biết được tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh so với mức tiêu chuẩn quy định, từ đó thẩm định xem có cấp quyết định phê duyệt dự án hay không.
– Ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tạo sự chủ động trong vấn đề bảo vệ môi trường nơi hoạt động của dự án.
– Hợp thức hóa quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Phát triển KT-XH đi đôi với bảo vệ môi trường.
4. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường
– Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường ĐTM được quy định tại phụ lục II nghị định số 18/2015/NĐ-CP ( quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường).
– Tại phụ lục II này bao gồm nhóm các dự án về xây dựng, nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, dự án về giao thông, dự án về điện tử, năng lượng, phóng xạ, dự án liên quan đến thủy lợi, khai thác rừng, trồng trọt, dự án về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dự án về dầu khí, dự án về xử lý, tái chế chất thải, dự án về cơ khí, luyện kim, dự án chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ, … và các dự án khác.
– Trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ( Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bới dự án;
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp đã đi vào hoạt động mà chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM hãy tiến hành lập bổ sung ngay đề án bảo vệ môi trường chi tiết để tránh vi phạm pháp luật.
5. Thẩm quyền cấp đánh giá tác động môi trường
Theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP, thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM thuộc về các cơ quan sau:
– Bộ Tài nguyên và Môi trường:
+) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
+) Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;
+) Dự án do Chính phủ giao thẩm định.
Danh mục dự án thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt của Bộ Tài Nguyên & Môi trường được quy định cụ thể tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP, trừ các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
– Bộ, cơ quan ngang Bộ: Tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của mình, trừ các dự án thuộc Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP.
– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ và cơ quan ngang Bộ khác.
6. Quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
– Để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, cần phải thực hiện những công việc như sau:
+) Khảo sát điều kiện địa lý, địa chất, khí tượng, thủy văn;
+) Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu về điều kiện tự nhiên, môi trường, KT – XH;
+) Khảo sát, thu mẫu, đo đạc và phân tích các mẫu không khí, mẫu nước, mẫu đất trong và xung quanh khu vực dự án;
+) Xác định các yếu tố vi khí hậu trong khu vực dự án;
+) Đánh giá hiện trạng môi trường khu vực thực hiện dự án;
+) Xác định các nguồn gây ô nhiễm của dự án như: khí thải, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn; xác định các loại chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án bằng các phương pháp thống kê, phân tích, thu thập, đánh giá nhanh;
+) Đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm kể trên đến các yếu tố tài nguyên, môi trường, xã hội, con người xung quanh khu vực thực hiện dự án;
+) Xây dựng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho giai đoạn xây dựng dự án;
+) Xây dựng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, phương án quản lý môi trường quá trình hoạt động và dự phòng sự cố môi trường;
+) Đề xuất phương án xử lý nước thải, khí thải, phương án thu gom và xử lý chất thải rắn từ hoạt động của dự án;
+) Tham vấn ý kiến UBND và UBMTTQ phường nơi thực hiện dự án;
+) Xây dựng chương trình giám sát môi trường;
+) Lập hội đồng thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM.